Bản quyền : TBG. Cập nhật ngày :03/29/2002  

Xin cảm ơn mọi ý kiến đóng góp, bài viết, tranh ảnh.

 

1 ] [ 2 ] 3 ] 4 ] 5 ]

 

Sáng dậy người đau ê ẩm vì buổi đêm đã ních toàn bộ số quần áo mang theo vào người. Lẽ ra đi ngủ không nên mặc giáp trụ. Nhìn lên hú hồn, thấy 1 cành cây mục to tướng gần gãy, ngay phía trên đỉnh lều khoảng 15m.

 

Những người dẫn đường, nhắc chúng tôi đi vệ sinh tránh xa nguồn nước để khỏi làm ô nhiễm. Trong khi ăn sáng họ nhặt nhạnh tất cả những đồ khó phân huỷ vứt vào đống lửa.

 

Cả đoàn trèo lên một thân cây cổ thụ đổ ngang suối, tiến vào rừng sâu. Đoạn đường này toàn những cây cao ngất nhìn rơi mũ. Đặc biệt nhất có lẽ là cây Trâm ổi, nhẵn thín và cuồn cuộn những cơ bắp, chỉ có thể làm thớt không thể dùng đóng tủ được vì vặn thớ.

 

Hành lý phải sử dụng nhiều mới biết giá trị. Một trong những số đó là chiếc ba lô của Hoàng, trước khi đi chúng tôi đã mất cả buổi chiều mê mẩn nghe anh em nhà Hưng Thịnh (13 Đinh Tiên Hoàng) giới thiệu về công dụng và chức năng của các loại ba lô, từ những chiếc hiệu Mamut của Thuỵ Sĩ giá vài trăm đô tới những loại mà chỉ nhìn mác đã thấy phục: một bộ xương khô bám vào vách đá nhưng chiếc ba lô trên vai còn mới tinh. Cuối cùng cũng chọn được một chiếc của Tây Ban Nha giá 310.000đ rất chắc chắn, có chỗ gài chai nước bên cạnh. Phía sau có 2 thanh thép cong tạo thành một khoảng trống để đỡ bí lưng.. Tóm lại đeo 3lô này nếu có lăn xuống vực chưa chắc đã chết và rất thuận tiện.

 

Vượt qua bao đèo dốc, đột nhiên hiện ra một khoảng trống độ 10m2: Bãi Cảnh Tiên. 4 phía là vực sâu thăm thẳm, chung quanh núi cao chất ngất, cảm giác như đang đứng giữa 1 cái lẩu hùng vĩ. ở đây mọc 1 giống tùng lá bé tí, cành quằn quại, có lẽ chục năm cũng chỉ mọc được vài phân. Lại thêm mây mù bao phủ. Cảnh tượng y như trong Tây Du ký. Thành trèo lên cây, lấy kẹo cao su dán địa y vào cằm để chụp ảnh, khác nào một đạo sĩ. Anh Vân bảo tôi leo ra một mỏm đá sát mép vực: Đứng đó tè xuống phía dưới mới thật là hào sảng. Có lẽ khi đã xong giọt đầu tiên vẫn chưa chạm đất. Hoàng, vốn sợ độ cao nghe thấy thế bất giác lùi lại vài bước, tay bám chặt vào mấy cây trúc.

 

Đường đi tụt xuống một cái hủm. Bên bờ suối một đống tro than, chung quanh vương vãi nấm Linh Chi. Anh Ngọc cúi xuống nhặt 1 con chim đen xì: Lạnh quá, nó đậu ở đây để sưởi ấm nhưng vẫn chết cóng. Nh?ng ngày tuyết rơi, thanh niên Sapa thường đi bắt chim rét. Chúng đậu im trên cây, chỉ việc trèo lên tóm và hơ vào bếp cho tới khi mỡ chảy xèo xèo.. Đoạn đường sắp tới không có suối nên những người dẫn đường phải lấy nước vào các chai lọ để dự trữ. Nhìn họ mang vác thật đáng ngại, mỗi người 1 gùi lớn đủ thứ lỉnh kỉnh lều bạt, xoong nồi, chăn, lương thực. Vậy mà vẫn đi băng băng.

 

Lên dốc như vô tận, mặt trời tới đỉnh đầu thì chúng tôi đến chỗ nghỉ trưa ở độ cao 2500m. ở đây có một cái cây nhô ra vực, đã được đẽo sẵn thành bậc. Trèo lên có thể nhìn thấy Sapa với những ngôi nhà trắng ngổn ngang như đám quân bài mạt chược. Nghe nói Xuân sang cả vùng Hoàng Liên Sơn sẽ thành một biển hoa đỗ quyên, mơ, mận... màu gì cũng có trừ xanh lá cây.

 

Đoạn đường tiếp theo thật kỳ lạ, có những lúc cảm tưởng như đang đi trên sống lưng của 1 con cá, 2 bên là vực sâu, cây cối chằng chịt. Không hiểu thế nào mà người ta lại tìm ra đường này. Cây bụi ngày càng nhiều, rất khó đi. Khi mồ hôi đã ướt đầm vai áo thì chúng tôi tới được độ cao 2700m và hạ trại.

 

Những miếng đất bằng phẳng trên dãy Hoàng Liên thật quá hiếm. Khu đất này hẹp phải làm thành 2 lều mới đủ chỗ ngủ. Tôi và Hoàng chui vào lều nghỉ mệt. Thành khoác gùi lên vai, đi lấy nước với mấy người dẫn đường. Bình thường những người này rất có ý thức, đi đường họ luôn nhắc nhở người Mèo không được lấy gỗ, phá rừng nhưng bây giờ thì chặt cây vô tội vạ. Cứ những cây ở gần là chặt. Phải cây tươi đốt than mới bền, chứ cây khô cháy phèo phèo thì đêm chết cóng. Hôm nay là 31/12 nên chúng tôi kiếm thêm ít trúc khô về, đợi giao thừa sẽ đốt thay pháo.

 

Trước khi đi tôi cũng nghe nói một số chiêu lấy nước như vạt nhọn cành sậy và cắm vào vách núi hay đào đất trải nilon để lấy sương đêm.. nhưng không ngờ Thành lại đem về 1 gùi băng. Suối đóng băng hết phải đẽo những cục này về. Băng đập nhỏ ra quẳng vào nồi bắc lên đống lửa cháy ngùn ngụt, thế mà còn lâu tan hơn mỡ, gần 20’ mới có nước. Phải lọc qua khăn mặt cho hết cỏ và lá cây, sau đó mới đun sôi.

 

Sau bữa tối đạm bạc, chúng tôi vào lều dưỡng sức đợi giao thừa. Bật radio đúng lúc có bài “Phút giao thừa lặng lẽ” tôi nhớ lại bao kỹ niệm đẹp đẽ và chạnh buồn khi nhớ tới người vợ ở quê nhà. Bèn lôi điện thoại ra dò sóng, cả đỉnh núi mấy chục m2 chỉ duy nhất chỗ gốc cây khô là có tí sóng Vinaphone nhưng không sao gọi được vì lúc mất, lúc có. Tốn bao nhiêu thời gian phí công vô ích. Trớ trêu là mấy tháng trước đã có người gọi được đúng chỗ này, hay là sự cố Y2K?

 

Còn khoảng 15’ nữa giao thừa, chúng tôi dọn dẹp lều. Có bao nhiêu thực phẩm chiến lược lôi ra hết bày một cái tiệc nhỏ toàn kẹo cay con tàu, ô mai gừng, chocolate.. các anh dẫn đường pha càphê nóng mang sang, có người bỏ đá vào uống cho phê. Ngoài kia bao nhiêu cây lá khô, cành tùng gom lại lúc chiều, giờ chất vào đống lửa đốt hết, rồi chọc cho tàn than bay lên hàng chục mét. Trúc nổ bôm bốp như pháo hoa. Các hộp cồn khô được đốt lên la liệt. Mấy người dẫn đường theo đạo, họ thắp nến đã được làm phép trong hốc đá và tranh trí cành thông xung quanh, như thể Hang Chúa giáng sinh. Đài phát thanh tả những cảnh chào đón năm 2000 ở khắp nơi làm cho không khí càng thêm náo nức. Đang khi các ban nhạc hát tưng bừng, chợt nghe lao xao. Rồi tiếng Chủ tịch nước chúc Tết. Mọi người im thít vì cảm động.

 

Nhiệt kế chỉ 3OC, chúng tôi leo lên cây nhìn xuống Sapa cho bớt cô đơn. Anh Ngọc kể: Hồi xưa khi còn chưa cấm pháo, cũng có lần đầu năm lên đây mang theo vài cây pháo hoa, hẹn đúng giờ với cả nhà dưới Sapa đem ra đốt, ở dưới bắn lên, trên bắn xuống cảnh tượng kỳ thú không sao tả nổi.

 

Trong lều, Hoàng ngồi khoanh chân, hơ dao vào lửa nến, kỳ công gọt những rãnh nhỏ vào đế giày để tạo ma sát. Mọi người bảo ra ngoài chơi cho vui nhưng y cứ ở lì trong lều bảo là dưỡng sức, e mải vui hỏng việc lớn.

 

Ngồi nhiều, bên bếp lửa mặt mũi ai cũng nẻ toác. Chúng tôi chui vào lều, khui một chai John nhỏ ra uống mừng thiên niên kỷ mới. Men say nồng nàn. Thành lôi các vật dụng ra lì xì cho những người dẫn đường, quà mừng tuổi toàn là la bàn, dây dù.. và bật lửa để lấy hên. Anh Ngọc tâm sự: Đón thiên niên kỷ mới trên này thật thú vị, nhưng lúc nãy nghe Long nói chuyện vợ con. Thú thật tôi cũng tủi quá, may mà đây chỉ là Tết dương lịch. Nếu là Tết ta chắc không chịu nổi. 2 đứa con tôi chưa thấy tuyết bao giờ. Chúng cứ bảo: Bố lên núi nhớ đem về cục băng cho con ăn chè.

 

Tiếp phần sau: 

Back ] Up ] Next ]

 

Về đầu trang  Diễn đàn  Sử dụng & bản đồ trang web    Liên lạc với chúng tôi    Cài đặt font UNICODE    Cài đặt bộ gõ Vietkey