Bản quyền : TBG. Cập nhật ngày :03/29/2002  

Xin cảm ơn mọi ý kiến đóng góp, bài viết, tranh ảnh.

 

1 ] 2 ] [ 3 ] 4 ] 5 ] 6 ]

 

Ngày thứ 5(28/9/1998) Trở lại Hà Giang 150 Km

 

Cách Đồng văn 15 Km là Nhà cũ của vua Mèo Vương Chí Sình. Toà nhà to, đẹp bằng đá có nhiều nét chạm trổ tinh vi từng là đại bản doanh của Vua. Toạ lạc dưới một đồi cây Pơ mu giờ đây chỉ còn các hậu duệ mà thực ra là họ hàng của Cụ Vương sinh sống. Cảnh trầm và buồn cố hữu của người dân tộc lại càng lắng đọng trong căn nhà thênh thang. Bàn thờ cụ Vương với bức ảnh chụp lại của một người quắc thước mặc áo quan đại thần thời Nguyễn nay hiu hắt như chưa từng là một thời vàng son hét ra lửa. Chỉ có từng nếp ngói âm dương là lắng đọng với thời gian, rêu phong và cổ kính.

 

Phần nhà bằng gỗ phía trước nay là trụ sở Uỷ ban xã cũng là nơi bộ đội biên phòng phải bảo vệ. Nơi đây chỉ 15 phút đường rừng là ra tới biên giới. Một máy điện thoại dùng nguồn điện từ pin mặt trời, liên lạc với tổng đài ở huyện qua kênh Viba. Ăng ten Parabon và một bộ ti vi - video xịn là những gì mà Nhà nước đã ưu ái dành cho xã vùng biên này. Trường vừa tan học trẻ em xúm xít xem các anh chị phóng viên. Chụp ảnh, tặng cho các em bút vở là chúng tôi hối hả lên đường để kịp về tới Hà giang trước khi quá trời quá tối.

 

Phải nói, khác với tuyến Tây Bắc là tuyến có rất nhiều khách du lịch, tuyến này ăn không ngon. Hầu hết tại các quán ăn mà chúng tôi đã từng nếm thì chỉ là ăn cho no lấy sức chứ không phải là ngon miệng. Tuy vậy, bữa trưa tại Yên minh cũng khá ổn. Tính chuyên nghiệp của hàng ăn miền núi này thể hiện ngay từ việc đun nấu bằng bếp ga. Rẻ và ông chủ xởi lởi cũng là những điều khiến chúng tôi phải nhớ mãi về quán ăn ở cái thị trấn nhỏ xíu nhiều cây Pơ mu này..

 

.. Kết thúc chặng hành trình chính lúc 7 giờ tối tại Hà giang. Theo chương trình, chúng tôi có thể thở phào và quay trở về Hà nội. Nhưng, hình như có một cái gì đó hụt hẫng trong ánh mắt của mọi người. Chả lẽ vừa kịp quen nhau và quen đi đã phải trở về ư? Thảo luận và nhất trí sẽ đi tiếp Cao bằng qua đường Bắc Mê, Bảo Lạc, mọi người hào hứng đi ngủ lấy sức chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.

 

 

Phần 4: Chặng thứ hai : Hà giang - Cao Bằng

 

Tiếng là thiếu thông tin trong những hành trình chặng đầu, nhưng thực tế chúng tôi cũng thừa hưởng được khá nhiều kinh nghiệm của nhóm 1 đi trước, và vì vậy hành trình vạch ra là tương đối hợp lý. Đến đâu cũng có cảm giác là nhà chứ không bơ vơ bỡ ngỡ. Đến chặng thứ 2 từ Hà giang đi Cao bằng mới thật sự là thiếu thông tin. Hỏi từ cánh xe ôm, mấy bác tài cho tới ông cán bộ. Mỗi người nói một kiểu, lúc thì đường dễ đi, lúc thì không thể đi được. Chỉ chắn chắn một điều là không một chiếc xe liên tỉnh Hà giang - Cao bằng nào đi qua đường này mà phải vòng xuống tận đường Na Hang xa thêm cả trăm cây số.

 

Thì mặc mọi lời khuyên, chúng tôi lên đường với tâm niệm khắc đi khắc thấy. Chia tay với thị xã Hà giang chúng tôi dấn thân vào con đường mà không hề biết rằng mình đang bắt đầu một chặng đường khó khăn nhất trong cả chuyến đi!

 

Ngày thứ 6 ( 29/9/19980 Hà giang - Bắc Mê 64 Km

 

Vượt qua con đèo cuối cùng thuộc địa phận thị xã Hà giang chúng tôi như ngợp trước một vùng đồi cọ nên thơ. Nhà sàn của người Tày thấp thoáng dưới những rừng cọ xanh mát. Uốn quanh là dòng suối nước róc rách ca hát đêm ngày. Suốt những chặng đường vượt qua tỉnh Phú Thọ và Tuyên quang được xem như đi qua vùng đồi chè rừng cọ nhưng ở đây mới thấy được cái chất thơ của nó. Nhớ về một bài hát thuộc lòng từ thuở đi học bé tí:

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong ngọt ngào

Cọ xoè ô che nắng

Râm mát đường em đi..

Cảnh thơ mộng quyến rũ, dòng suối róc rách chảy y như tác giả bài hát trên viết ngay tại đây. Cầm lòng không đậu chúng tôi quyết định hạ trại tắm suối. Nước suối trong leo lẻo, soi gương cho dặng núi xa xa. Một vài chú dân tộc đang săn cá. Một chiếc nỏ với mũi tên thép nhọn hoắt có ngạnh, mắt che bằng kính lặn thế là cứ lặn ngụp, lặn ngụp chốc chốc lại giơ lên một chú cá sườn lấp lánh bạc. Dòng suối cứ thế êm đềm, êm đềm cho đến khi không gian vỡ toang bởi tiếng ríu rít của một bầy trẻ vừa trai vừa gái, trần như nhộng rào rạt chạy nụ xu?ng tắm..

 

..Con đường đi đã thấp thoáng thấy bóng Sông Gâm, một trong hai nhánh sông quan trọng của tỉnh Hà giang. Vượt qua một con suối rộng, nước không sâu lắm nhưng cũng đủ để ngập máy xe. Được cái, xe Nhật dắt lên chỉ cần cho nước chảy ra khỏi ống bô là khởi động máy lại đi liền.

 

Thị trấn Bắc Mê, huyện lỵ cuối cùng của tỉnh Hà giang đón chúng tôi với một vẻ hờ hững, trầm trầm. Phải thôi, ở cái nơi sâu tít trong rừng thẳm ít người qua lại này thì hình như đến không khí cũng đặc lại chứ đừng nói gì đến con người. Thị trấn xiêu vẹo như hình ảnh một chú vừa qua cơn say. Những cơn lũ mùa mưa vừa qua đã dâng cao hơn chục mét, suýt thì cuốn phăng cả cái dãy nhà chợ nhỏ nhẵn, xinh xắn bằng gỗ men sông. Nhưng chính việc lũ cuốn mất mấy nhịp cầu treo ở đây lại đem lại cho chúng tôi một ấn tượng đặc biệt về việc được qua sông bằng mảng. Mà thôi, đó là câu chuyện của ngày mai, chỉ biết hôm nay chúng tôi đi được có nhõn 60 cây số và buộc phải dừng lại nghỉ tối tại thị trấn ven bờ sông Gâm này.

 

Nếu có điều gì làm chúng tôi ngạc nhiên tại Hà giang thì chính đó là việc ở nơi thâm sơn cùng cốc này, lù lù xuất hiện một cô Tây xịn. Và đương nhiên cô cũng giật mình quay phắt lại khi chúng tôi chào bằng một vài câu tiếng Anh! Vui mà, thì ra ả làm việc cho một tổ chức phi chính phủ đang thực hiện việc trồng rừng trồng rú gì đó ở đây.

 

 

Tiếp phần sau: 

Back ] Up ] Next ]

 

Về đầu trang  Diễn đàn  Sử dụng & bản đồ trang web    Liên lạc với chúng tôi    Cài đặt font UNICODE    Cài đặt bộ gõ Vietkey