Bản quyền : TBG. Cập nhật ngày :03/29/2002  

Xin cảm ơn mọi ý kiến đóng góp, bài viết, tranh ảnh.

 

1 ] 2 ] 3 ] 4 ] 5 ] [ 6 ]

 

Ngày thứ 11(5/10/1998). Cao bằng - Pắc bó - Hà nội 450 Km

 

Trong bảng tổng kết của chúng tôi, ngày này chính lại là ngày hành trình dài nhất. Tổng quãng đường vượt qua trong ngày lên tới 450 Km.

 

Thật ra, cũng chẳng cần cố đấm ăn xôi, đi tiếp Pắc bó làm gì. Tuy nhiên, nếu bạn đã đi gần 1500 cây số, thì việc đi thêm hơn trăm cây cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thế thì phóng. Dậy sớm từ 4h30 để tận sáng rõ mới khởi hành. Đường Cao bằng đi Pắc bó cực đẹp, mặt đường phẳng lỳ, hầu như không đèo dốc và lại thẳng băng nên chỉ hơn tiếng rưỡi chúng tôi đã có mặt tại Pắc bó. Không như tưởng tượng cả quần thể di tích bao gồm Suối Lê nin, Núi Các mác, Hang Cốc bó.. chỉ bó gọn trong một khoảng nhỏ xíu mỗi chiều cỡ nửa cây. Suối bắt nguồn từ những khe nứt trong núi nước phun lên ào ào chảy mãi. Chỉ thoả mãn em Cầm cứ ao ước trong suốt chuyến đi được nhìn thấy một nơi nguồn suối có nước tự dưng chảy ra. Ô thì Trời sinh ra thế, hễ chỗ nào nứt mà lại có nước thì nó khắc chảy ra, ai mà chả biết!

 

Hà quảng là xứ địa đầu của Tổ quốc, lại là nơi cái nôi của Cách mạng. Khi Bác Hồ về nước qua cột mốc 108 Người đã nhặt một nắm đất quê hương mà hôn. Cũng chính Người đã chọn cái hang Cốc bó làm nơi ở trong những ngày khó khăn đầu tiên.

 

Pắc bó có lẽ không gây cho chúng tôi niềm xúc động nhiều bằng những tấm biển trên dọc đường vào, nơi này lưu lại địa danh mà anh Kim Đồng từng làm liên lạc, nơi kia là chỗ hội họp mà anh đứng gác. Rồi nơi anh bị giặc Pháp giết hại, nơi Mộ liệt sỹ Kim đồng được đặt dưới chân một dãy núi nhìn về cánh đồng quê hương..

 

Chặng đường từ Cao bằng về Hà nội thật sự không ghi lại cho chúng tôi nhiều dấu ấn đặc biệt. Đèo Cao bắc ở Cao bằng, đèo Giàng ở Bắc Kạn cũng cao, cũng dài, cũng hun hút, cũng cảnh núi trập trùng, vực sâu thẳm. Nhưng so với những gì chúng tôi đã vượt qua, những gì chúng tôi đã được nhìn, được ngắm, được thở, được hít, được chạm phải, được cảm nhận thì quả thực chặng đường này cũng chỉ như là một cuộc dạo chơi cuối cùng. Chỉ có điều khi về tới Thái nguyên, được coi như là đã về đến Hà nội thì cả bọn buồn ngủ quá chừng. Gà gật trên xe, lúc phóng nhanh, lúc chạy chậm, lúc vừa đi vừa hát, lúc phải nhờ cô ngồi sau gõ vào mũ lóc cóc hoặc tát vào mặt mà chẳng ăn thua, lái xe lúc đó là theo cảm tính, theo giác quan thứ sáu chứ thật ra trên người lúc đó có 10 bộ phận thì đã ngủ hết chỉ trừ có cái tay vặn ga. Biết là nguy hiểm đấy, biết là sợ đấy mà không thể cưỡng lại được vì nếu dừng xe ngồi nghỉ thì đoan chắc là chỉ sau nửa phút là cả bọn kềnh ra đường mà ngáy pho pho. Nếu bạn đã từng đi liên tục trên 1000 cây số thì mới hiểu được cái cảm giác buồn ngủ đến rã rời nó như thế nào.

 

Cứ thế đến khi choàng tỉnh thật sự thì chúng tôi đã về đến đầu cầu Chương Dương. Gần 2 giờ sáng. Phút chia tay là đây. Những chàng trai mọi khi rất tháo vát mà nay sao lóng ngóng mãi không tháo được đồ? Ô kìa có ai nói gì đâu mà trong mắt người nào cũng loang loáng nước? Ôm hôn từ biệt chuyến đi mỗi người mất hút về một ngả trong phố đêm đèn mờ dăng dăng những hạt mưa lắc rắc của đợt áp thấp mới về..

 

Đoạn kết của chuyến đi.

 

Tôi biết rằng, trước, trong, và cả sau chuyến đi nữa, nhiều người nghĩ về chúng tôi không hay. Người thì cho là chúng tôi hơi dở người, người thì cho là một bọn không biết suy nghĩ hay đơn giản nhất thì cũng là thói chơi ngông của một bọn lắm tiền nhiều thời gian.

 

Thì ai cũng có quyền suy nghĩ của mình, nhưng tôi chắc nếu họ được một lần có cảm xúc trong những chuyến phiêu lưu như của chúng tôi, thì nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng trong đời họ để cứ mỗi lần nhìn thấy xe xe , cộ cộ, ba lô chất đầy, máy ảnh trước ngực, nai nịt gọn ghẽ thì hẳn họ cũng không thể ngồi yên.

 

Đi là để yêu, yêu quê hương , yêu đất nước, yêu con người và yêu chính cả bản thân mình. Thì chính chúng tôi đây, trước khi là những người dở hơi, nh?ng k? thiếu suy nghĩ, những bọn chơi ngông thì những tình cảm nói trên cũng mờ nhạt lắm, cũng sách vở lắm. Vậy mà chỉ được nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh sông nước mênh mang hay ngược lại là cảnh đồi trọc triền miên, cảnh trẻ em dân tộc khổ cực thì trong lòng mình cứ dấy lên một tình cảm miên man.

 

Đi cũng là để thử thách, để rèn luyện ý chí bản thân. Có đi tự nhiên con người ta trở nên khoẻ khoắn hơn, yêu đời hơn và vui sống hơn.

 

Thì thế, nghĩa là bây giờ đây, khi bạn đang đọc những dòng cuối cùng của chuyến đi này, lại chính là lúc chúng tôi đang mơ màng trên bản đồ Việt nam, vạch ra một lộ trình mới!

 

 

Danh sách những người tham gia

 

Nguyễn Vũ Tùng

Nguyễn Thanh Tùng

Nguyễn Tuấn Anh

Vũ Quốc Hùng

Mai Văn Bình

Trần Hạnh Dung

Đỗ Hoàng Lệ Cầm

Hạ Hồng Nhung

Ngô Minh Hương

Nguyễn Thị Thanh Huyền

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Đi thăm Đất nước - Hoàng Đạo Thuý 1978

2. Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt nam - Nguyễn Văn Huy 1997

3. Các bài báo về vua Mèo Vương Chí Sình trên báo Tiền Phong, Báo Sự kiện & Nhân chứng 1998

 

Tiếp phần sau: 

Back ] Up ]

 

Về đầu trang  Diễn đàn  Sử dụng & bản đồ trang web    Liên lạc với chúng tôi    Cài đặt font UNICODE    Cài đặt bộ gõ Vietkey