Bản quyền : TBG. Cập nhật ngày :03/27/2002  

Xin cảm ơn mọi ý kiến đóng góp, bài viết, tranh ảnh.

 

1 ] 2 ] 3 ] 4 ] [ 5 ] 6 ] 7 ] 8 ] 9 ] 10 ] 11 ]

 

Ngày thứ 7.

01/09

 

Sáng đi ô tô mới tới Tô Châu (Suzhu), cách Thượng hải 80km ở Đông nam tỉnh Giang tô. Rất vắng vẻ. Đường đi qua Chiết giang có bao nhiêu là nhà cao 2 hoặc 3 tầng với mái ngói cổ gợi nhớ đến Hội an, nhưng mỗi mái đều có hai cái sừng trâu vểnh ra hai bên, không hiểu tại sao. Tất cả đều là mái ngói đen. Hàng loạt hàng loạt y hệt như nhau. Hai bên đường ô tô đầy là hoa hướng dương cao 2m, mỗi cây có mỗi một hoặc hai bông hoa, vàng rực rỡ. Và bao nhiêu là liễu. Nhiều đoạn (chủ yếu là đi qua sông) lại có lưới chăng hai bên, Lan bảo để chim trời khỏi đâm đầu vào xe chạy trên đường cao tốc. Tô Châu nhiều cầu nhỏ, ngòi nhỏ, như thể một Vơnidơ thu nhỏ. Thành phố đẹp dịu dàng như trải lụa và cũng nổi tiếng vì lụa, nhà máy tơ lụa duy nhất tôi đã vào thăm lại là ở Tô Châu chứ không phải Hàng Châu. Rất nhiều lụa đẹp đặc biệt là lụa trắng hoa vân. Mẹ mua một tấm đầy những lá phong (hay là lá ngô đồng?), cô Thục mua nhiều nhất. Cả đoàn nhờ mẹ xem và chọn lụa (con gái Hàng đào mà; sau này về Lạng Sơn chọn vải Trung quốc cũng vậy). Tôi mua một tấm có những hoa văn pha trộn giữa hoa sen hồng, quỳ tím và lá sen xanh lớn, có những chấm nhỏ bọt nước li ti lẫn vào vải, sờ vào thì mát mịn. Ngược với chất vải tinh tế, áo may sẵn của Tô Châu xấu mù, lộ rõ một chất nhà quê. Xấu ngang Hàng Châu!

 

Ăn trưa. Chiều thăm Đồi Hổ nơi chôn cất Hạp Lư và nhiều di tích của triều đại Ngô Vương Phù Sai. Đồi Hổ có một giếng lạ trong vắt. Nghe bảo xưa Tây Thi thích ngắm trăng nhưng không thích ngửa mặt nhìn trời nên Phù Sai cho xây giếng này để người ngọc ngắm trăng trong giếng (!!!). Cạnh công viên Đồi Hổ có nhiều cửa hàng tơ lụa rẻ, có lẽ rẻ nhất trong các khu du lịch. Thăm Lưu Viên và Tây Viên, hai hoa viên nhiều chùa chiền cảnh đẹp nhưng không có gì đặc sắc, có lẽ vì tôi đã quá ấn tượng với Dự Viên Thượng Hải.

 

Tối nghỉ ở Phong kiều, lớn, đẹp và phục vụ tốt nhưng rất vắng vẻ. Rời khu nhà ở xuống phòng nghỉ, tôi đang lắp bắp mấy câu tiếng Anh hỏi nhà hàng ở đâu thì nghe loáng thoáng sau lưng: Xư phan? Quay lại, Nhung đang nói tiếng Trung Quốc (!) với một cô lễ tân và lập tức có một cô khác dẫn chúng tôi vào nhà hàng ngay tắp lự. Lại bất ngờ! Mẹ tôi đã học tiếng Trung quốc hồi nhỏ, nhưng đã 40 năm rồi còn gì! (thỉnh thoảng tôi gọi đùa láo mẹ tôi là Nhung béo).

 

Ngày thứ 8

02/09

 

Sáng. ở Việt nam hôm nay chắc mọi người đang nghỉ chơi Quốc Khánh. Tôi đi xe đến Vô Tích (Vô Tích nghĩa là không-có-thiếc), thăm quan Đại Trư Đầu (hoặc Nguyên Đầu Trư) với sự tích về con Nguyên đã cứ dân bị nạn từ Thái Hồ. Thái Hồ rộng 33km2, khi thời tiết xấu có nhiều sóng to đến lật thuyền. Đi tàu khách thăm Đại Trư Đầu trên đảo. Đảo có công viên Hoa quả Sơn nuôi một lũ Tôn Ngộ Không cho du khách chụp ảnh và vô số Ngộ Không khác chạy lung tung trên đỉnh đồi, trên nóc đền, bắt chấy cho nhau trên cành cây. Thấy người thì nhìn qua loa một lúc lấy lệ rồi ai lại vào việc ấy.

 

Vô Tích có công viên Tây Thi Phạm Lãi (gọi là Lại Viên). Tây Thi ghê thật, đi đâu cũng để lại dấu chân kỷ niệm! Chuyện nàng với Phù Sai thì rõ rồi, nhưng nàng có đi trốn cùng Phạm Lãi sau này không thì ai mà biết được. Lẽ nào Phạm Lãi đã đi ở ẩn còn mang theo một người đẹp nức tiếng hai vương quốc? Mấy ngôi sao như vậy dễ bị người đời soi xét lắm. Chỉ biết rằng người ta bảo mới đầu hai người sống hàn vi. Phạm Lãi làm một loại ấm trà bằng cát tím (tử sa), còn Tây Thi làm tào phở để sinh nhai. Lan hướng dẫn gọi là làm "đậu phụ". Tôi nếm thử một bát tào phở. Ngọt và thơm. ấm Tử Sa bây giờ là một mặt hàng nổi tiếng của Trung Quốc, với đủ loại trang trí và hình dạng, màu chủ yếu là đỏ đồng, đen, nâu và tím sẫm. Để thử chất lượng ấm, người bán hàng đặt một chiếc ấm xuống đất và giẫm lên, đu cả người lên. Thật vớ vẩn, khi giữ thăng bằng như vậy thì làm sao mà một chiếc ấm sành vỡ được! Nhưng tôi thích những loại ấm này. Dùng lâu, cặn chè sẽ quánh lại, làm cho chè có vị ngon hơn. Tôi mua một chiếc cỡ lớn có bốn chữ Hán "Mã Đáo Thành Công", hình một đàn ngựa chạm nổi tinh xảo, và nắp ấm có hình đầu ngựa nhô lên, một chiếc ấm chạm thủng hai lớp cho Giang để trả công đã cho mượn vali, và cho những ai nữa .... tôi chỉ nhớ mình đã mua 4 cái. Hình Tây Thi Phạm Lãi trên tường giống hệt như những nhân vật trong Hồng Lâu Mộng.

 

Đi tiếp đến Nam Kinh, 150km.

 

Nam Kinh là thủ phủ cũ của Quốc dân Đảng và trước đó là kinh đô của hai vua đầu đời Minh – Chu Nguyên Trương và người cháu – nằm phía Nam sông Trường giang. Nước sông vào mùa lũ lên chậm, dễ khống chế hơn sông Hoàng hà. Vượt qua bờ Bắc sẽ là miền Bắc Trung Quốc. Chuyến du hành của tôi toàn là miền Nam Trung Quốc, trừ có Bắc Kinh. Phía Nam Trường Giang, nơi tôi đứng đây, là nơi cư ngụ và là điểm chót của Bách Việt – vô số tộc người Việt - trong đó có nước Việt của Câu Tiễn, và Lạc Việt của Pò Khun (Hùng Vương). Tên Việt có lẽ là Hán tự từ chữ Vượt - Vượt Trường Giang xuống sinh sống ở phương Nam. Lan hướng dẫn bảo rằng thời còn nghèo đói, Nam Kinh không có tiêu chuẩn chất đốt để đốt lò sưởi vì nó đã thuộc về phía Nam, mặc dù mùa đông vẫn lạnh. Nam Kinh cũng là điểm chót các câu chuyện về Tây Thi – Phạm Lãi.

 

 

Tiếp phần sau: 

Back ] Up ] Next ]

Up
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

 

Về đầu trang  Diễn đàn  Sử dụng & bản đồ trang web    Liên lạc với chúng tôi    Cài đặt font UNICODE    Cài đặt bộ gõ Vietkey